Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Trí tuệ nhân tạo đã trở thành chủ đề nổi bật trong công nghệ kể từ khi OpenAI tạo nên làn sóng với chatbot ChatGPT. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs, những đột phá về trí tuệ nhân tạo có tiềm năng thúc đẩy mức tăng 7% trong GDP toàn cầu, tương đương gần 7 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Ảnh minh họa. Nguồn:CNBC
Chìa khóa để phát triển AI tạo sinh là lấy các mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho ChatGPT và Ernie Bot của Baidu, có khả năng xử lý các tập dữ liệu khổng lồ để tạo văn bản và nội dung khác. Noriyuki Kojima, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Nhật Bản Kotoba Technology cho biết Nhật Bản hiện đang đi sau Mỹ, Trung Quốc và EU trong việc phát triển các thuật toán này.
Ông Kojima cho rằng các cường quốc doanh nghiệp như OpenAI, Microsoft, Google và Meta đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tiến bộ LLM của đất nước.
Vị trí của Nhật Bản đang ở đâu?
Tuy nhiên, Nhật Bản đang trở nên tụt hậu so với Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu về quy mô và tốc độ phát triển LLM.
“Vị trí đi sau của Nhật Bản trong lĩnh vực AI tạo sinh phần lớn bắt nguồn từ những thiếu sót trong nghiên cứu sâu và phát triển phần mềm rộng rãi hơn”, ông Kojima nói thêm.
Ông Kojima nhấn mạnh nghiên cứu sâu yêu cầu một “cộng đồng kỹ sư phần mềm lớn” để phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng cần thiết. Theo Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 789.000 kỹ sư phần mềm vào năm 2030. Và trong Xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới của IMD, quốc gia này hiện được xếp hạng thứ 28 trong số 63 quốc gia về kiến thức công nghệ,
“Nhật Bản cũng phải đối mặt với những thách thức về phần cứng vì LLM cần được đào tạo bằng siêu máy tính AI như Vela của IBM và hệ thống lưu trữ Azure của Microsoft. Tuy nhiên, không có công ty tư nhân nào ở Nhật Bản sở hữu cỗ máy đẳng cấp thế giới của riêng mình với những khả năng đó”, hãng Nikkei Asia đưa tin.
Theo ông Kojima, việc truy cập vào các siêu máy tính quy mô lớn như vậy tạo thành xương sống của sự phát triển LLM, vì theo truyền thống, đây là nút cổ chai quan trọng nhất trong quá trình này.
Các công ty Nhật Bản theo đuổi AI tạo sinh
Viện Công nghệ Tokyo và Đại học Tohoku có kế hoạch sử dụng siêu máy tính Fugaku của nước này để phát triển LLM dựa trên dữ liệu của Nhật Bản với sự hợp tác của các nhà phát triển siêu máy tính Fujitsu và Riken.
Nhà phát triển siêu máy tính Fujitsu cho biết các tổ chức có kế hoạch công bố kết quả nghiên cứu vào năm 2024 để giúp các nhà nghiên cứu và kỹ sư Nhật Bản khác phát triển LLM. Theo trang Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ đầu tư 6,8 tỷ yên (48,2 triệu USD) để xây dựng một siêu máy tính mới ở Hokkaido và bắt đầu hoạt động vào đầu năm tới. Siêu máy tính sẽ chuyên đào tạo LLM để thúc đẩy sự phát triển AI tái sinh của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, những công ty công nghệ lớn cũng đã tham gia vào cuộc cạnh tranh để nâng cao vị thế của Nhật Bản trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Vào tháng 6, nhánh di động của Ngân hàng SoftBank cho biết đang có kế hoạch phát triển nền tảng AI. Điều này đã được nhấn mạnh bởi thông báo của Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son rằng công ty đầu tư có kế hoạch chuyển từ “chế độ phòng thủ” sang “chế độ tấn công” và tăng cường tập trung vào AI.
“Chúng tôi muốn ở vị trí dẫn đầu cuộc cách mạng AI,” ông Son nói trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.
Công ty viễn thông Nhật Bản (NTT) cũng đã công bố kế hoạch phát triển LLM của riêng mình trong năm tài chính này nhằm tạo ra một dịch vụ “nhẹ và hiệu quả” cho các tập đoàn. NTT cho biết sẽ rót 8 nghìn tỷ yên trong 5 năm tới vào các lĩnh vực tăng trưởng như trung tâm dữ liệu và AI, tăng 50% so với mức đầu tư trước đó.
Mặc dù vẫn chưa bắt kịp xu hướng trong lĩnh vực AI tạo sinh nhưng Nhật Bản đang thực hiện bước đầu tiên với những nỗ lực của khu vực tư nhân. Ông Kojima khẳng định khi “cơ sở hạ tầng mạnh mẽ” được thiết lập, những thách thức kỹ thuật còn lại có thể sẽ được “giảm thiểu đáng kể” bằng cách sử dụng phần mềm nguồn mở và dữ liệu từ những người tiên phong trước đó. Bloom, Falcon và RedPajama đều là các LLM nguồn mở được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ có thể tải xuống và nghiên cứu.
Tuy nhiên, các công ty mạo hiểm trong lĩnh vực này nên lường trước sự cạnh tranh kéo dài trong một “khung thời gian tương đối dài hơn,” Kojima nói.
Ông Kojima cũng giải thích rằng việc phát triển các LLM đòi hỏi đầu tư vốn đáng kể và lực lượng lao động có tay nghề cao trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và điện toán hiệu năng cao.
Quy định AI tại Nhật Bản
Sự tham gia ngày càng tăng của các công ty công nghệ Nhật Bản vào quá trình phát triển AI tạo sinh trùng khớp với quan điểm tích cực về việc áp dụng AI trong các lĩnh vực khác. Một cuộc khảo sát của Teikoku Databank cho thấy hơn 60% công ty ở Nhật Bản có thái độ tích cực đối với việc sử dụng AI tạo sinh trong khi 9,1% đã làm như vậy.
Bên cạnh đó, Hitachi đã thành lập một trung tâm AI tạo sinh để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách an toàn và hiệu quả của nhân viên. Tập đoàn cho biết, với chuyên môn của các nhà khoa học dữ liệu, nhà nghiên cứu AI và các chuyên gia có liên quan, trung tâm sẽ xây dựng các hướng dẫn để giảm thiểu rủi ro của AI tạo sinh. Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno khẳng định Nhật Bản thậm chí sẽ xem xét việc chính phủ áp dụng công nghệ AI như ChatGPT, với điều kiện là các vấn đề về an ninh mạng và quyền riêng tư được giải quyết.
Ông Hiroki Habuka, Giáo sư nghiên cứu tại Trường Luật sau đại học của Đại học Kyoto cũng cho biết khi Nhật Bản trở nên cởi mở hơn trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, chính phủ nên xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng dẫn mềm liên quan đến việc sử dụng công nghệ này, đồng thời đánh giá sự cần thiết của các quy định cứng rắn dựa trên các rủi ro cụ thể.
“Nếu không có hướng dẫn rõ ràng hơn khi sử dụng AI tạo sinh, các hoạt động thực hành có thể trở nên rời rạc”, ông Hiroki Habuka nhận định./.