Để trí tuệ nhân tạo hỗ trợ văn học


Trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước tiến của nhân loại, có khả năng hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực, thậm chí thay thế những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, ít sáng tạo. Vậy, khi AI xuất hiện, liệu có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thay thế các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia…?

Xin được bắt đầu bằng câu chuyện: vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 năm nay, ứng dụng Zalo đưa thêm tính năng “Tạo thiệp 8/3 với AI”. Tính năng này được phát triển trên nền tảng Zalo Mini App. Người dùng dễ dàng truy cập tính năng này tại mục Nhật ký trên ứng dụng Zalo mobile. Khi nhấn vào “Tạo thiệp chúc”, sẽ có các lựa chọn để AI làm thơ phù hợp với mục đích của người dùng: Chia sẻ lên nhật ký, Tặng mẹ, Gửi người trân quý, Tặng nửa kia, Gửi tặng bạn bè đồng nghiệp, Tặng cô giáo. Sau khi chọn người để gửi tặng xong, Zalo AI sẽ ngay lập tức “viết” một khổ thơ lục bát gồm 4 dòng. Người dùng có thể đổi câu thơ khác nếu chưa ưng ý hoặc tùy chỉnh dựa trên bài thơ mà Zalo AI “viết” trước đó.

Chân dung nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Xuân Diệu (ảnh nhỏ là ảnh cũ, ảnh lớn là bức ảnh do người dùng sử dụng công cụ AI phục chế)
Chân dung nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Xuân Diệu (ảnh nhỏ là ảnh cũ, ảnh lớn
là bức ảnh do người dùng sử dụng công cụ AI phục chế)

Và đây là một số câu thơ do AI viết:“Gửi tặng em mấy câu thơ/ Chúc em hạnh phúc đôi bờ yêu thương/ Bên nhau chung một con đường/ Yêu thương san sẻ vấn vương một đời”.

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, hồi tháng 4 vừa qua, kỹ sư viễn thông Phạm Sơn đã chia sẻ những tấm chân dung của các nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, Xuân Quỳnh… được phục chế lại bằng ứng dụng AI. Nhiều người, trong đó có cả người thân trong gia đình một số nhà thơ, nhà văn cũng bày tỏ sự thích thú, bất ngờ trước việc trí tuệ nhân tạo hỗ trợ khôi phục hình ảnh một cách sinh động, sắc nét.

Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo lắng về việc trí tuệ nhân tạo “lấy mất” nhiều công việc trước đây là “nghề” kiếm kế sinh nhai của một bộ phận. Đơn cử như việc trí tuệ nhân tạo góp phần khôi phục ảnh, một số ý kiến cho rằng, “thế này người làm phục chế ảnh mất hết nghề rồi”.

Trong âm nhạc, mới đây làng nhạc Việt xôn xao khi lần đầu tiên ở Việt Nam ca sĩ ảo chính thức phát hành sản phẩm MV đầu tay. Cô ca sĩ ảo tên Ann và MV của cô có tựa đề “Làm sao nói thương anh”. Ann được ra đời dựa trên thuật toán AI cùng kỹ xảo âm thanh sống động. Nhà sáng lập BoBo Đặng – đại diện êkíp cho biết, giọng ca của nữ ca sĩ ảo được “hòa trộn” bởi nhiều giọng ca thuộc công ty anh nhằm tạo ra một màu giọng riêng biệt. Sau đó, phần giọng này sẽ được xử lý bằng công nghệ để đáp ứng trường độ, cao độ trong thanh nhạc.

Ann được tạo hình là một ca sĩ 18 tuổi, mang phong cách nhẹ nhàng và trẻ trung. Nhà sản xuất cũng lý giải so với nghệ sĩ thật, nghệ sĩ ảo sở hữu nhiều đặc tính nổi bật. Thứ nhất, Ann có diện mạo tương đối chiếm thiện cảm của khán giả. Thứ hai, đây là dự án dài hơi, lấy âm nhạc làm cốt lõi, khác biệt với các dự án ngắn hạn. Thứ ba, bản thân Ann được định hình không chỉ là ca sĩ ảo mà còn là nghệ sĩ ảo. Tương lai, Ann có thể đóng phim, diễn thời trang, tham gia các show giải trí bằng cách tiếp cận phù hợp…

Sự xuất hiện của ca sĩ ảo Ann được ví như một phép thử cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Hiện tại, có vẻ như Ann chưa gây ra những áp lực, nhưng rõ ràng, là tín hiệu khởi đầu cho thấy thị trường âm nhạc đã có sự lựa chọn mới, và công chúng cũng sẽ có những cơ hội thưởng thức mới từ sự phát triển của AI.

Từ những câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy, trí tuệ nhân tạo đã và đang bước vào đời sống văn học – nghệ thuật ở Việt Nam. Và nỗi lo lắng của một số người trước việc xuất hiện của AI là có thật. Và câu hỏi, liệu AI có thay thế con người vẫn thường được đặt ra ở nhiều nơi.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang đe dọa và làm chúng ta hoảng hốt. “Sự thông minh của AI có thể trả lời cho con người tất cả các câu hỏi, có thể thay thế hàng nghìn nhân công, nhưng có một thứ tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo dù đến thời nào, có phát triển đến đâu cũng không tạo ra được đó là cảm giác như: sự thổn thức, sự dày vò khi đau đớn, niềm vui hân hoan…”, ông Thiều nói, đồng thời cho rằng, trong tương lai gần, cũng có thể có sự cạnh tranh giữa trí tuệ nhân tạo và con người. “Nhưng điều đó chỉ xảy ra ở một mức độ nào đó chứ nó không thể đe dọa. Bởi vì con người vẫn là chủ thể. Trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người sinh ra”.

“Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người”, đó là câu trả lời mang tính khẳng định của hầu hết các chuyên gia ở các lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Bởi, nếu trong những lĩnh vực mang tính “tay chân”, “lặp đi, lặp lại” thì AI hoàn toàn có thể thay thế, và làm nhanh hơn, hiệu quả hơn con người. Tuy nhiên, trong văn – thơ – nhạc – họa, đó là những lĩnh vực đòi hỏi nhiều cảm xúc cá nhân để tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân thì AI, dù có thể vẽ nhanh, viết nhanh, nhưng sự sáng tạo và đặc biệt, khó có thể mang đến những cảm xúc khiến người ta rung động.

Có thể ở thời điểm bây giờ, AI chưa thể tác động nhiều đến đời sống văn học – nghệ thuật của chúng ta. Nhưng nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy AI mang tới một lời nhắc nhở: Những người hoạt động trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật cũng không nên chủ quan với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bởi cũng cần biết một điều, cùng với công nghệ phát triển, nguồn dữ liệu được cập nhật từng giây từng phút, kết hợp với khả năng “tự học”, thậm chí “học sâu” của các AI khiến cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện. Vì thế, cần tỉnh táo để sử dụng các ứng dụng AI như một công cụ, giúp nghệ sĩ có thể giải phóng sức lao động ở những công việc không cần hoặc cần rất ít tới “dấu vân tay” của người nghệ sĩ.





Source link