Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Physical Address
304 North Cardinal St.
Dorchester Center, MA 02124
Để thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, Thủ tướng nói sẽ có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các rào cản.
Chiều 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang ở trong kỷ nguyên khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão; đồng thời đã bước vào giai đoạn phát triển mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh đã tác động mạnh đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Việc chuyển đổi số vừa qua đã có những bước tiến quan trọng như hoàn thiện dần thể chế phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến. Đã có gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023. Ảnh:Nhật Bắc/VGP
Ông cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này nhằm tạo ra bứt phá về năng suất, sức cạnh tranh của các ngành và cả nền kinh tế. Việt Nam cũng hướng đến chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, có phát thải carbon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế. Các quy định, quy chế, chính sách liên quan sẽ được đồng bộ hóa. “Chính phủ sẽ có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, ông nói. Sẽ có chính sách khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Ông cho biết việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa là vấn đề lớn, cấp bách, lâu dài. Với Việt Nam, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển, trong đó không ngừng nỗ lực tiếp tục xây dựng Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo cấp cao tham quan các gian hàng tại khai mạc triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ góc nhìn riêng về cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho biết trong công nghiệp hóa, 50% là công nghệ số và 50% còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Là quốc gia có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc đã đặt ra cơ hội và lợi thế cho Việt Nam để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhấn mạnh tri thức mới tạo ra công nghệ mới, ông Hùng cho rằng công nghệ số, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức phát triển. “Mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình. Hiện nay trên thế giới chưa có mô hình nào mà hai nước áp dụng đều thành công, chính vì vậy Việt Nam phải đi theo con đường riêng, dựa trên trình độ, văn hóa, tố chất con người của chúng ta”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhấn mạnh tới máy móc, trí tuệ nhân tạo AI, trí óc. Những thứ này là phi vật chất, vô hạn nhưng cách mạng 4.0 giúp chúng ta khám phá vô hạn của trí tuệ. “Phát triển nền trí thức căn bản dựa trên hỗ trợ như trợ lý ảo, trao thêm quyền năng chứ không thay thế con người và mang tính cách mạng toàn dân”, ông nhấn mạnh.
Ông khẳng định các cuộc cách mạng trước đây đầu tư vào công nghệ nền là quan trọng thì ở cách mạng công nghiệp 4.0 đã có sẵn nền công nghệ. Trước đây ai nhiều tiền, nhiều công nghệ chất lượng cao người đó hưởng lợi là chính, còn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ai có nhiều nhu cầu, có nhiều vấn đề đặt hàng giải quyết là người đó chiến thắng. Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số tạo ra kinh tế số, kinh tế số tạo hình thái mới cho kinh tế nông nghiệp, công nghiệp. Do đó để ứng dụng công nghệ, mô hình cần thay đổi thể chế.
Theo Báo cáo về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc công bố năm 2022, xếp hạng chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2020 (từ 81 lên 76).
Hiện, 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử. Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và phê duyệt hơn 11 triệu tài khoản định danh điện tử; cơ sở dữ liệu hộ tịch đã có trên 35 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; đã vận hành cơ sở dữ liệu đất tại 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố; thông tin của hơn một triệu doanh nghiệp được cập nhật theo thời gian thực.
Như Quỳnh – Đức Minh