Kinh tế thế giới mấp mé suy thoái, vì sao “cứu tinh” Trung Quốc khiến phương Tây thất vọng?


Kinh tế thế giới mấp mé suy thoái, vì sao "cứu tinh" Trung Quốc khiến phương Tây thất vọng? - Ảnh 1.

Theo kênh DW (Đức), khi phần còn lại của thế giới đang mấp mé bờ vực suy thoái, điều mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây không mong muốn nhất là Trung Quốc – động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – có một sự phục hồi không như ý muốn. Nhưng đó là những gì đang diễn ra.

Sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch vào tháng 12/2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa “hoạt động hết công suất”.

Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4/2023 ở mức 7,9%, trong khi xuất khẩu tăng với tốc độ chậm hơn là 8,5% so với mức 14,8% trong tháng 3. Giá tiêu dùng tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn hai năm qua vào tháng 4, trong khi giá do các nhà bán buôn công nghiệp Trung Quốc đưa ra tại cổng nhà máy giảm ngày càng sâu.

Trong khi đó, các khoản vay ngân hàng mới trong tháng 4 giảm mạnh so với dự kiến; các khoản vay mới bằng nhân dân tệ (CNY) chỉ đạt 718,8 tỷ CNY (khoảng 104 tỷ USD), chưa bằng 1/5 so với tháng 3.

Kỷ nguyên vàng của Trung Quốc đã kết thúc?

Steve Tsang – Giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Phương Đông và Châu Phi có trụ sở tại London (Anh) – nói với phóng viên DW rằng: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bùng nổ và nó sẽ không quay trở lại thập kỷ vàng son của những năm 2010 khi tăng trưởng ở mức hai con số.”

Gói kích thích khổng lồ của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi, một phần là do nhu cầu dường như không có giới hạn của quốc gia châu Á này đối với nguyên liệu thô nhập khẩu phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng.

Nhưng những biện pháp kích thích trong quá khứ đã khiến Trung Quốc chìm trong núi nợ. Hồi tháng 3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 66 nghìn tỷ CNY (khoảng 9.485 tỷ USD), tương đương một nửa GDP của nước này.

Ông Tsang cho biết, những nhà hoạch định chính sách phương Tây đang cầu nguyện cho Trung Quốc phục hồi nền kinh tế của họ bây giờ sẽ cần phải “nhìn vào thực tế kinh tế và chính trị mới” .

Kinh tế thế giới mấp mé suy thoái, vì sao "cứu tinh" Trung Quốc khiến phương Tây thất vọng? - Ảnh 2.

Sau đợt bùng nổ xây dựng, các dự án bất động sản không bán được của Trung Quốc đang đè nặng lên thị trường nhà ở và kìm hãm sự tăng trưởng chung. Ảnh: Picture Alliance

Các vấn đề khiến Trung Quốc gặp khó

Theo các chuyên gia, vấn đề Đài Loan, mối quan hệ thân thiện của Bắc Kinh với Moscow và thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine là những vấn đề gây tranh cãi khác khiến hợp tác kinh tế toàn cầu gặp rủi ro.

Căng thẳng thương mại từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa Bắc Kinh và Washington cũng kéo dài qua chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Thuế quan ăn miếng trả miếng đã dẫn đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số công ty và quan chức Trung Quốc. Washington thậm chí còn hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) vì lý do an ninh quốc gia.

Và các nhà hoạch định chính sách phương Tây cũng đang ngày càng coi “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là mối đe dọa đối với lợi ích của họ.

Tháng trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde từng than phiền về khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể bị chia cắt thành các khối đối lập do Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu, đồng thời cảnh báo điều đó sẽ gây hại cho tăng trưởng và gia tăng lạm phát.

Kinh tế thế giới mấp mé suy thoái, vì sao "cứu tinh" Trung Quốc khiến phương Tây thất vọng? - Ảnh 3.

Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4/2023 ở mức 7,9%, trong khi xuất khẩu tăng với tốc độ chậm hơn là 8,5% so với mức 14,8% trong tháng 3. Ảnh: DW

Bắc Kinh ưu tiên ‘tăng trưởng chất lượng’

Một lý do khác cho sự phục hồi kém xuất sắc của Trung Quốc là kế hoạch chiến lược của Bắc Kinh nhằm đưa nền kinh tế lên cao hơn trong chuỗi giá trị, ưu tiên tăng trưởng về chất lượng hơn là số lượng . Tuy nhiên, những cải cách này cần có thời gian.

Pushan Dutt – Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh INSEAD ở Singapore – nói với phóng viên DW rằng: “Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một sự chuyển đổi từ một nhà sản xuất cấp thấp thành người thống trị trong các ngành công nghiệp của tương lai như trí tuệ nhân tạo, người máy, chất bán dẫn…”

Ông Dutt nói thêm, khi Trung Quốc chuyển từ các ngành công nghiệp nặng do các công ty nhà nước thống trị sang đổi mới và tiêu dùng trong nước, tăng trưởng chậm lại là một “hệ quả tất yếu tự nhiên”.

Tuy nhiên, IMF vẫn dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới, đóng góp khoảng 22,6% vào tổng tăng trưởng thế giới, so với chỉ 11,3% của Mỹ.

Trong khi nhu cầu phương Tây chậm lại sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc, nền kinh tế trong nước của Trung Quốc vẫn có nhiều tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là do nhu cầu bị dồn nén sau ba năm phong tỏa do COVID-19.

Ông Dutt nói với phóng viên DW: “Người tiêu dùng Trung Quốc đã tích lũy được 2,6 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm vượt mức trong thời kỳ đại dịch.”



Source link