Tương lai nghề dịch: Người, máy hay người – máy?


AI đang dần trở nên hữu dụng hơn trong nghề dịch - Ảnh: Shutterstock

AI đang dần trở nên hữu dụng hơn trong nghề dịch – Ảnh: Shutterstock

Điều này một mặt giúp nâng cao năng suất của người dịch, mặt khác đặt ra câu hỏi về tương lai của người lao động trong lĩnh vực này.

Máy dịch trước, hiệu đính sau

Cách đây 17 năm, Google Translate ra đời, đánh dấu sự khởi đầu của công nghệ dịch bằng AI. Song công cụ này nhanh chóng bộc lộ hạn chế khi thường cho ra những bản dịch đúng theo nghĩa đen với những lỗi dùng từ không hợp văn phong, bối cảnh.

Tới năm 2017, công nghệ dịch bằng AI tiến thêm một bước đáng kể với DeepL – phần mềm dịch với nguồn dữ liệu là website dịch thuật Linguee (từ điển đa ngôn ngữ), từ đó mở ra giai đoạn phát triển của công nghệ dịch máy bằng neuron.

Theo đó, DeepL có khả năng cho ra những bản dịch sát nghĩa hơn dựa trên sự xem xét toàn bộ ngữ cảnh của văn bản, đồng thời liên tục cải tiến cách dịch nhờ vào luồng dữ liệu mà nó nhận được.

Ngày nay, ngoài Google Translate và DeepL, những phần mềm dịch được người dùng trên thế giới ưa chuộng là Microsoft Translator, Systran, Meta AI translation, ChatGPT…

Một trong những xu hướng được nhận định sẽ ngày càng phổ biến trong ngành dịch thuật là dịch bằng AI kết hợp dịch vụ hiệu đính bản dịch. Cụ thể, một dịch giả chuyên nghiệp sẽ chỉ tham gia hiệu đính bản dịch máy để nâng cao chất lượng bản dịch thay vì tự dịch toàn bộ văn bản như trước kia.

Mặc dù xu hướng này chưa thể “thống lĩnh” ngành dịch thuật ngay trong những năm tới, song nó hiện là cách tiếp cận thông dụng của nhiều dịch giả.

Một ví dụ cho cách làm này là việc vào tháng 2-2023, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc bất ngờ đưa ra thông báo về giải thưởng dịch thuật hằng năm sau khi đã công bố người thắng cuộc năm 2022 hai tháng trước đó: Yukiko Matsusue, người đã chuyển thể sang tiếng Nhật cho webtoon (truyện tranh trực tuyến) kinh dị của Hàn Quốc “Mirae’s Antique Shop”, giành giải dựa vào sự trợ giúp của phần mềm dịch máy Naver Papago, song không nói rõ với ban tổ chức khi nộp bài.

Do không phát hiện điều này, ban giám khảo thậm chí đã khen ngợi bản dịch của Matsusue là “thể hiện sự hiểu biết đầy đủ về các yếu tố pháp sư của Hàn Quốc”.

Không bàn tới tính hợp lệ của hành vi, theo Korea Times, Matsusue đã chạy văn bản cần dịch qua Naver Papago, sau đó hiệu đính để văn phong tác phẩm trở nên trơn tru và dễ hiểu hơn với người đọc. “

Tôi đã đọc bản gốc từ đầu tới cuối rồi dùng Papago thay cho từ điển để có một bản dịch sát nghĩa. Khi bắt gặp những thuật ngữ và khái niệm xa lạ, tôi cố gắng xác định ngữ cảnh của những từ này bằng cách tra cứu các thảo luận liên quan”, Matsusue chia sẻ.

Thay thế và hòa hợp

Vậy những công nghệ này có đang đưa các dịch giả tới gần hơn tương lai “mất việc”? Trên thế giới, có hai luồng quan điểm phổ biến.

“Những người bi quan” cho rằng các phần mềm dịch rồi sẽ thay thế gần như toàn bộ công việc dịch thuật trên thị trường, trong khi “những người lạc quan” đặt niềm tin vào viễn cảnh công nghệ trở thành trợ lý không thể tách rời của người dịch, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất và hạn chế sai sót.

Một số lập luận để củng cố quan điểm này là AI còn thiếu sự nhạy cảm về văn hóa, bối cảnh và thiếu tính hài hước, do đó chưa thể thay thế dịch giả lão luyện trong việc tạo ra các bản dịch gần gũi, giàu cảm xúc và sức thuyết phục.

“Ngay cả khi sử dụng AI, người dịch vẫn cần chỉnh sửa bản dịch để cho ra sản phẩm cuối cùng, đặc biệt là trong trường hợp dịch tác phẩm văn học. Sự can thiệp của con người là cần thiết để nắm bắt các sắc thái và phức cảm tinh tế của văn bản nguồn, trừ khi văn bản đó hoàn toàn mang tính kỹ thuật”, bà Jung Ha Yun – phó giáo sư biên phiên dịch tại Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) – chia sẻ với Korea Times.

Song ngay cả khi nghề dịch thuật chưa bị thay thế hoàn toàn bởi AI, người lao động vẫn chịu tác động theo nhiều cách. Bà Jung Ha Yun quan ngại rằng sự phổ biến của các phần mềm dịch có thể dẫn đến sự giảm giá trị của người lao động trên thị trường.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ dựa vào việc dịch giả sử dụng AI để tự ý cắt giảm thù lao của người lao động với lý do “khối lượng công việc giảm”.

Bởi việc thuê một bên thứ ba sẽ phát sinh chi phí và các ràng buộc khác, nhiều công ty ưu tiên sử dụng “dịch giả AI” cho các tác vụ đơn giản. Ví dụ, eBay từng ứng dụng AI để dịch tự động các tiêu đề sản phẩm trên website, và nghiên cứu sau đó đã chỉ ra việc này giúp tăng doanh số của eBay tới 10,9%.

“Nhiều khả năng AI sẽ tiếp tục được sử dụng theo cách này để tái cấu trúc thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, người dịch cần suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ của họ với các công cụ AI và vai trò chính của họ trong ngành là gì. Bởi thị trường sẽ không bao giờ loại AI ra khỏi cuộc chơi”, bà Jung Ha Yun nói thêm.

Theo The Economist, vẫn còn đó chỗ đứng cho những dịch giả với kiến thức chuyên môn vững chắc. Trong khi các văn bản mang tính khuôn mẫu như hóa đơn, hợp đồng, hướng dẫn sử dụng… có thể giao cho AI, những nội dung quan trọng như các quy định pháp lý phức tạp cần phải được dịch hoàn toàn bởi một người vừa am tường về ngôn ngữ vừa có kiến thức sâu sắc về vấn đề liên quan.

Do đó, tin xấu là một lượng lớn công việc có tính khuôn mẫu, lặp đi lặp lại của ngành dịch thuật sẽ bị mất do AI, song tin tốt là số công việc còn lại sẽ dành cho những ai sở hữu chiều sâu về ngôn ngữ và tri thức nói chung. Các dịch giả trong tương lai sẽ không hoàn toàn là con người hay máy móc, mà thay vào đó là một chỉnh thể người – máy quyện hòa.

25%

Bên cạnh đó, theo Khảo sát ngành ngôn ngữ châu Âu năm 2022, hoạt động kiểm soát quy trình dịch thuật đang dần dịch chuyển từ người sang máy tính, với 45% công ty ngôn ngữ tham gia khảo sát tiết lộ rằng hơn 25% dự án của họ được chạy trên quy trình tự động.



Source link