Cảnh giác chiêu lừa đảo bằng Deepfake


Dễ dụ người cả tin

Thủ đoạn lừa đảo nhờ vào Deepfake đang ngày càng lan nhanh và có dấu hiệu gia tăng. Bởi nó dễ sử dụng và có thể lừa được lòng tin của nhiều đối tượng nhẹ dạ, nhất là phụ nữ và người lớn tuổi.





Deepfake có thể sao chép hình ảnh, âm thanh như thật và rất nhanh. (Ảnh minh hoạ)

Thời gian qua, có nhiều trường hợp bị lừa gây hoang mang dư luận mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin. Ðiển hình như câu chuyện của chị N.T.T.H ngụ tại Thanh Trì, Hà Nội. Chị nhận được tin nhắn của anh trai ruột đang sinh sống ở Úc qua Facebook đề nghị chuyển số tiền 17 triệu đồng. Sau khi nhắn tin, tài khoản này còn gọi video call qua Facebook với thời lượng khoảng 8-10 giây nhằm tạo lòng tin với chị N.T.T.H. Trong cuộc gọi, hình ảnh của anh trai chị H hiện lên và nói chuyện cùng, nhưng không thực sự sắc nét. May mắn là chị nhận ra chủ tài khoản ngân hàng là của một người khác chứ không phải anh trai mình, nên đã gọi điện thoại trực tiếp để xác minh thì được biết anh trai chị vừa bị hack Facebook.

Tại Cà Mau, chị T.H.H ở Khóm 5, Phường 8, TP Cà Mau, cũng bị chiêu lừa tương tự. Chị H nhận được cuộc gọi video call từ con gái du học ở Mỹ và yêu cầu chị chuyển tiền sinh hoạt phí, vì lỡ phải chi tiêu cho việc đi dã ngoại và làm bài nhóm. Chị H nói thấy mặt con hôm nay hơi mờ và có gì đó không ổn thì bên kia trả lời là đang ở vùng nông thôn nên sóng yếu. Tuy nhiên, chị đã gọi điện cho bạn cùng du học và ở cùng nhà với con gái thì mới biết không hề có chuyện con gái chị gọi cho mẹ xin tiền, vì cô đang trong kỳ kiểm tra nên học hành khá căng thẳng, hạn chế dùng mạng xã hội và không hay bản thân bị hack trang cá nhân.

Từ đó cho thấy, chiêu thức lừa đảo này đã lên một tầm cao mới, giả mà như thật.

Cảnh giác để tránh bị lừa

Với Deepfake, chỉ cần mất 3 giây để sao chép hình ảnh, âm thanh của người thân chúng ta giống y như thật. Ðể thực hiện được các hình thức lừa đảo này, các đối tượng xấu sẽ thu thập thông tin, hình ảnh và video có giọng nói của người dùng được đăng tải công khai trên các trang mạng xã hội. Sau đó, nhóm đối tượng này sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo ra các video có sẵn để gọi về cho người thân của đối tượng được nhắm đến để vay tiền, hay giả làm con cái đang du học nước ngoài nhờ chuyển tiền để đóng học phí, hoặc giả những tình huống khẩn cấp như người thân gặp tai nạn, cần tiền gấp để cấp cứu.

Các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đưa ra một số khuyến cáo giúp người dân dễ “nhận diện” trong bối cảnh thủ đoạn lừa đảo này đã và đang “nở rộ”, với nhiều biến tướng khó lường. Bằng mắt thường, chúng ta vẫn có thể nhận biết một số dấu hiệu của chiêu thức lừa đảo này như thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây. Bên cạnh đó, khuôn mặt của người gọi thường thiếu cảm xúc khi nói hay làm những động tác khá lúng túng, mất tự nhiên. Thêm nữa là màu da của nhân vật trong video cực kỳ bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Không chỉ phần hình ảnh mà âm thanh nghe cũng không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc, thậm chí không có tiếng.

Mọi người nâng cao cảnh giác với tất cả cuộc gọi hay tin nhắn có nội dung vay mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội. Ðể tránh bị lừa đảo và mất tiền oan, chúng ta nên cẩn thận kiểm tra thông tin tài khoản có đúng là người thân, bạn bè… của chúng ta hay không, bởi thông thường kẻ gian sẽ ngắt cuộc gọi giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu…

 

Lam Khánh

 



Source link