hỗ trợ truy tìm và ngăn chặn hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp


(TCT online) – Đó là chia sẻ của Trưởng ban Quản lý rủi ro Tổng cục Thuế Nguyễn Thu Trà khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thuế về những chức năng chính của Trung tâm cơ sở dữ liệu (CSDL) hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Vừa qua, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính về việc xây dựng Trung tâm CSDL về HĐĐT. Vậy xin bà cho biết tính cấp thiết của việc thành lập trung tâm này?

Thực hiện Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp lý có liên quan, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sử dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, TP (Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định), toàn ngành Thuế đã triển khai thành công HĐĐT trên toàn quốc. Theo đó, đến ngày 1/7/2022, toàn bộ các tổ chức, DN, cá nhân sử dụng hóa đơn trên toàn quốc đã đăng ký chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Tính đến cuối quý I/2023, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 3,3 tỷ HĐĐT (trong đó 860 triệu HĐĐT có mã của cơ quan thuế và 2,5 tỷ HĐĐT không mã).

Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn thừa nhận, các hành vi cố tình gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT ngày càng tinh vi hơn. Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa chi phí sản xuất, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Do đó, đòi hỏi việc kiểm soát, xử lý dữ liệu HĐĐT phải nhanh chóng và kịp thời hơn; công tác phân tích dữ liệu cũng cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, dự báo những trường hợp nghi ngờ gian lận trong sử dụng HĐĐT.

Để đáp ứng yêu cầu xử lý lượng dữ liệu khổng lồ như vậy, cần thiết phải có một hệ thống CSDL độc lập, tránh ảnh hưởng đến công tác quản lý phát hành HĐĐT. Do vậy, bên cạnh hệ thống ứng dụng quản lý và Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT, cần thiết phải xây dựng Trung tâm CSDL về HĐĐT phục vụ công tác phân tích, quản lý rủi ro.

Được biết, một trong những chức năng chính của Trung tâm CSDL là phân tích dữ liệu HĐĐT, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro trong toàn ngành. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Tổng cục Thuế đã triển khai những công việc gì thưa bà?

Để triển khai một cách toàn diện hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý rủi ro trong toàn ngành, bao gồm dữ liệu HĐĐT, Tổng cục Thuế đang hoàn thiện dự án “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro” nhằm đầu tư hạ tầng thiết bị phần cứng và phần mềm ứng dụng phân tích dữ liệu. Việc triển khai dự án này phải thực hiện theo đúng trình tự và quy định về đầu tư công nghệ thông tin. Để kịp thời đưa Trung tâm CSDL vào hoạt động, giúp tăng cường quản lý việc sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế đã sử dụng nguồn lực sẵn có để thiết lập tài nguyên cần thiết tối thiểu cho hệ thống CSDL và ứng dụng của Trung tâm CSDL HĐĐT. Trên nền tảng hệ thống này, việc đầu tiên phải thực hiện là thiết lập CSDL HĐĐT và các dữ liệu quản lý thuế liên quan, đảm bảo cập nhật liên tục, thường xuyên nhất có thể, nhằm đưa vào phân tích kịp thời.

Tiếp đó là hoàn chỉnh các chức năng hỗ trợ tra cứu, phân tích dữ liệu, tăng tốc các chức năng tra cứu hiện có, cũng như lựa chọn trường hợp cần giám sát, theo dõi. Ngoài ra, xây dựng bổ sung một số chức năng mới như đối chiếu HĐĐT với doanh thu và số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra trên tờ khai thuế GTGT, nhằm phát hiện ngay các trường hợp kê khai sai, thiếu thuế. Bổ sung một số chức năng báo cáo giám sát, đánh giá tình hình sử dụng hóa đơn của người nộp thuế…

Để phân tích rủi ro, phát hiện DN có dấu hiệu gian lận, Tổng cục Thuế đã và đang xây dựng các chức năng phân tích rủi ro theo Bộ chỉ số tiêu chí ban hành theo Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 2/2/2023; thiết lập môi trường để chạy các ứng dụng phân tích dữ liệu hóa đơn theo công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các chức năng này giúp cán bộ thuế phát hiện sớm DN có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn, kịp thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thuế.

Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế đã triển khai một số chức năng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro, đã chạy thử nghiệm và đã có một số kết quả. Vậy bà có thể chia sẻ một số kết quả bước đầu?

Ngay từ khi mới triển khai, một số cục thuế đã chủ động thực hiện đối chiếu dữ liệu HĐĐT với số liệu trên tờ khai thuế GTGT, kịp thời xử lý, nhắc nhở DN tuân thủ đúng quy định pháp luật thuế. Theo kinh nghiệm quản lý, các đơn vị đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng cần đưa vào diện giám sát thường xuyên, giúp cảnh báo sớm, tạo tác động tích cực cho việc điều chỉnh hành vi.

Về phía Tổng cục Thuế, cũng rà soát, đối chiếu trên toàn bộ dữ liệu của cả nước, chuyển kết quả tới các cục thuế để phối hợp rà soát, xử lý. Đồng thời, nghiên cứu đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích HĐĐT như nhận diện tên hàng hóa, dịch vụ; phân nhóm hàng hóa, dịch vụ phục vụ việc phát hiện hóa đơn có giá hàng hóa, dịch vụ cao bất thường; rà soát, phát hiện các chuỗi mua bán bất thường; tìm chuỗi mua bán liên quan đến các trường hợp đề nghị hoàn thuế GTGT cao, kinh doanh một số mặt hàng cần theo dõi.

Qua phân tích chuỗi, cơ quan thuế đã phát hiện 47 trường hợp nghi ngờ liên quan đến mặt hàng rủi ro cao, có hoạt động xuất khẩu và đề nghị hoàn năm 2022. Kết quả rà soát sẽ được chuyển tới các cục thuế quản lý để kiểm tra, xử lý.

Để hệ thống vận hành thành công, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế có lộ trình cũng như giải pháp triển khai như thế nào, thưa bà?

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế nói chung và quản lý HĐĐT nói riêng, Tổng cục Thuế cần tổ chức sử dụng hiệu quả hệ thống CSDL HĐĐT; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương trong từng khâu quản lý, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và đánh giá hiệu quả áp dụng. Dự kiến hệ thống ứng dụng của Trung tâm CSDL HĐĐT sẽ được triển khai chính thức vào tháng 5/2023 và được thiết kế các chức năng phân quyền cho cục thuế, chi cục thuế sử dụng. Khi triển khai, cơ quan thuế các cấp sẽ chủ động khai thác dữ liệu từ các chức năng đối chiếu, lựa chọn danh sách rủi ro cao để xác định những trường hợp cần áp dụng biện pháp nghiệp vụ thích hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý và phân tích dữ liệu của Trung tâm CSDL HĐĐT thường xuyên rà soát tổng thể trên dữ liệu cả nước nhằm xác định những sai lệch, các nghi ngờ gian lận và chuyển các cơ quan thuế  xử lý; tập hợp kết quả xử lý của cơ quan thuế quản lý để đánh giá hiệu quả thực hiện; phát hiện những tồn tại trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn để đề xuất nội dung tuyên truyền, hỗ trợ nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế; phát hiện những nội dung cần cải tiến ứng dụng để kiểm soát hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho người dùng và giúp cho hệ thống phục vụ người nộp thuế ngày càng hoàn thiện hơn.

Đặc biệt, các chức năng phân tích rủi ro theo bộ chỉ số tiêu chí ban hành theo Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 2/2/2023 và các chức năng phân tích theo AI sẽ được chạy tập trung tại Tổng cục Thuế. Kết quả sẽ được chuyển tới các cơ quan quản lý thuế tương ứng để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Cục CNTT, Ban Quản lý rủi ro và các đơn vị liên quan đang tích cực phân tích, xây dựng chức năng, hoàn thiện hệ thống để đảm bảo hoàn thành kịp mục tiêu triển khai từ đầu tháng 5/2023./.

Xin cảm ơn bà!

Trung Kiên thực hiện



Source link